Thời Tây Tấn Lưu_Nghị_(Tây_Tấn)

Tấn Vũ đế lên ngôi, lấy Nghị làm Thượng thư lang, Phụ mã đô úy, rồi thăng làm Tán kỵ thường thị, Quốc tử tế tửu. Đế cho rằng Nghị trung thành, chánh trực, khiến ông làm Gián quan. Sau đó Nghị được chuyển làm Thành môn hiệu úy, thăng làm Thái phó, bái làm Thượng thư, rồi có tội chịu miễn quan.[1]

Năm Hàm Ninh đầu tiên (275), Nghị được khôi phục làm Tán kỵ thường thị, Bác sĩ tế tửu. Năm thứ 4 (278), Nghị được chuyển làm Tư lệ hiệu úy; ông đốc xét những kẻ phú hào, giúp cho kinh đô giữ được trật tự, trị an. Quan viên Tư lệ bộ kéo nhau bỏ chức rất nhiều, người đương thời cho rằng Nghị trái với Gia Cát Phong, Cái Khoan Nhiêu đời Hán. Thái tử Tư Mã Trung vào chầu, đội nhạc Cổ xuy sắp vào cửa Đông Dịch, Nghị cho rằng như thế là bất kính, chặn họ ở ngoài cửa, dâng tấu hặc thầy dạy của Thái tử. Triều đình giáng chiếu xá miễn cho họ, rồi cho đội nhạc đi vào. Nghị ở chức 6 năm, được thăng làm Thượng thư bộc xạ.[1]

Nghị cho rằng chế độ Cửu phẩm trung chánh của nhà Tào Ngụy chỉ là kế quyền nghi, không chọn được người tài mà còn sanh ra tệ đoan, đề nghị bãi bỏ; đế vỗ về nhưng không theo. Sau đó bọn Tư không Vệ Quán cũng đồng tình, còn đề nghị khôi phục chế độ Hương nghị Lý tuyển đời xưa; rốt cục đế không thi hành.[1]

Năm Thái Khang thứ 6 (285), Nghị được 70 tuổi, xin cáo lão; rất lâu về sau mới được đồng ý.[2] Nghị được đeo hàm Quang lộc đại phu về phủ đệ, trước cửa được đặt công cụ cản ngựa (khiến người ta phải xuống ngựa mới có thể đi qua), còn được ban trăm vạn tiền.[1]

Cùng năm, Tư đồ Ngụy Thư cử Nghị làm Thanh Châu đại trung chánh, có ý kiến cho rằng Nghị đã trí sĩ, không nên vất vả đến nỗi hỏng việc. Người Nhạc An là Trần Lưu tướng Tôn Doãn dâng biểu nói tuổi tác của Nghị xấp xỉ với Tư đồ Ngụy Thư, Tư lệ hiệu úy Nghiêm Tuân, nay Thư, Tuân nắm quyền lớn, còn Nghị chỉ coi việc ở 1 châu, không lấy gì làm vất vả. Quan điểm này được quan viên từ nhị phẩm trở lên của Thanh Châu là bọn Quang lộc huân Thạch Giám tâu lên ủng hộ. Nhờ vậy Nghị được nhậm chức Đại trung chánh, giám định phẩm cách kẻ sĩ, phân biệt trong đục, người quyền quý mới bắt đầu chịu đàn hặc, chỉ trích.[1]

Cũng trong năm này, Nghị mất;[2] đế giật mình vỗ ghế, nói: “Mất đi một danh thần không thể làm đến tam công khi còn sống.” Lập tức tặng Nghị làm Nghi đồng tam tư, sai người giám hộ việc tang. Người Bắc Hải là Vũ lâm giám Vương Cung dâng biểu đề xuất đặc cách tặng thụy hiệu cho Nghị (theo lệ chỉ dành cho người có tước); đế đem tờ biểu ấy giao cho 8 viên đại thần thượng thư, bộc xạ, khiến họ bàn luận. Đa phần ý kiến đồng tình với Cung, nhưng tấu thư bị ép lại, không phê chuẩn.[1]